Với giá bán lên đến gần 1 tỷ đồng, Honda CBR1000RR-R chắc chắn là mẫu mô tô không phải ai cũng có thể sở hữu. Ngoài sự đặc sắc về thiết kế, trang bị và giá bán thì xe còn cho sức mạnh lên đến 214 mã lực, số vòng tua lên đến gần 15.000. Đây là một con số mà ngay cả một chiếc xe độ cũng khó lòng đạt được. Honda đã “độ” mẫu super sport này thế nào? Cùng Autofun tìm hiểu trong bài viết này!
Honda đã “độ” gì để tạo nên sức mạnh khủng cho CBR1000RR-R?
Tạm bỏ qua các chi tiết như cánh gió, vỏ xe và thiết kế, ở mục này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu khối động cơ đặc biệt của Honda CBR1000RR-R. Sức mạnh 214 mã lực cho khối động cơ 1000 cc, một con số mà không phải bất kỳ một chiếc mô tô nào cũng có thể đạt được. Honda đã làm gì ở khối động cơ của “chiến mã” này?
- Trước tiên nói về ống pô Akrapovic của xe, đây không phải là ống pô thuộc hệ full System mà thuộc hệ slip-on titan từ đuôi pô đến van pô. Từ van pô đến cổ pô được làm bằng inox.
- Tiếp theo, phần động cơ của xe đã được Honda thiết kế lại hoàn toàn mới. Khối động cơ này cũng hoàn toàn khác với động cơ của mẫu xe đua MotoGP RC213V. Vì động cơ của mẫu xe đua là V4 còn của CBR1000RR-R là I4. Tuy nhiên, đường kính và hành trình piston của xe khá giống với chiếc xe đua này.
- Một chi tiết không bỏ qua để nói về sức mạnh của động cơ chính là trục biên và động cơ 4 mạch của xe. Lòng xi-lanh của động cơ có thiết kế ngắn và được đặt lộ thiên ra bên ngoài. Chính thiết kế này bạn hoàn toàn có thể đưa nó ra ngoài khi muốn thay piston mới mà không cần thiết phải hạ trục cơ xuống.
- Trục biên của xe có thiết kế nhỏ, kết hợp với hành trình biên rất ngắn và đường kính piston lại rất lớn. Do đó, CBR1000RR-R có thể đạt được số vòng tua lên đến gần 15.000 vòng/phút với sức mạnh 214 mã lực.
- Bộ ly hợp cũng là một trong những yếu tố tạo nên khối động cơ đặc biệt này. Ly hợp của xe rất giống với mẫu mô tô MV Agusta F3, được đặt sát với phần thân máy giúp cục máy gọn gàng hơn. Nhờ đó để phần diện tích cho các chi tiết khác gồm: hệ bơm nhớt, caste, hệ bơm nước rời. Ngoài ra, trục biên của xe được làm bằng titanium có giá lên đến 2.000 USD cho 4 trục. Một trang bị dường như chỉ xuất hiện trên các xe đua.
Chắc chắn sức mạnh 214 mã lực này không chỉ được tạo nên từ duy nhất khối động cơ mà còn kết hợp nhiều yếu tố khác. Cụ thể:
- Hệ thống hút gió và bộ xả, bộ xả đã được đề cập ở trên. Ở phần mặt nạ của xe có một hốc hút gió cực kỳ lớn chưa từng có. Chức năng của nó là hút rất nhiều lượng gió tự nhiên ở bên ngoài vào trong. Trong điều kiện trên 200 km/h hốc hút gió này sẽ phát huy toàn bộ công năng của nó và cho tác dụng rất lớn. Honda đã dùng các sợi thủy tinh để làm nên hốc hút gió này. Và đây chính là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh 214 mã lực của xe.
- Xe được trang bị hai dàn kim phun, một giàn nằm trên hộp gió và một giàn được đặt trước họng, nó sẽ phun xăng vào trước họng ga. Giàn kim phun còn lại sẽ phun sau bướm ga. Hai giàn kim phun sẽ thực hiện phun xăng trước và sau bướm ga, kích hoạt được tại 6.000 tua. Cả hai dàn đều có 10 lỗ kim, lưu lượng không nhiều nhưng rất “tơi”. Nhiên liệu có tơi hay không sẽ quyết định đến công suất, phải thật “tơi” thì cháy dễ hơn, tạo kinh công nhiều hơn.
- Họng ga của xe lên đến 53,3 mm cho 1 máy khoảng 250 cc. Họng ga được thiết kế hình oval để đủ “bẹp” cho phù hợp với thiết kế lớn của xupap hút. Bên cạnh đó, sau bướm ga còn có chỗ cắm kim phụ thứ 2, một điểm nhấn một phần tạo nên sức mạnh của xe.
- Xe được trang bị mâm lửa rất nhẹ và có nhiều lỗ.
- Xe có khung xe được làm bằng nhôm nên chỉ có 201 kg, công suất 214 mã lực. Do đó, mức công suất/trọng lượng 1 kg sản sinh ra một mã lực là một con số rất khủng.
Những thay đổi của Honda CBR1000RR-R so với thế hệ cũ
Honda CBR1000RR-R 2020 được bán với hai phiên bản là Fireblade tiêu chuẩn và Fireblade SP với giá bán lần lượt là 950 triệu và 1.50 tỷ đồng. Cả hai đều có hai màu sắc lựa chọn giống nhau gồm HRC đỏ xanh trắng và đen.