Tại Việt Nam, Ford Ranger thế hệ mới được bán ra với 6 phiên bản cùng 8 màu sơn ngoại thất để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn. Trong đó, phiên bản rẻ nhất là Ford Ranger XL với giá 659 triệu đồng còn phiên bản đắt tiền nhất là Ford Ranger Wildtrak với giá bán là 965 triệu đồng. Vậy, với số tiền chênh lệch 309 triệu đồng giữa hai phiên bản, khách hàng sẽ nhận được những nâng cấp và công nghệ gì?
Khi bỏ ra gần 600 triệu đồng để mua Ford Ranger XL tiêu chuẩn, khách hàng sẽ nhận được một chiếc Ford Ranger thế hệ mới với những trang bị cơ bản nhất. Ngoại thất của phiên bản này có nhiều chi tiết được sơn đồng màu với màu sơn chính của xe, cùng với đó là thù xe phía sau không được trang bị lót sàn, cản va sau được rút ngắn. Hệ thống đèn chiếu sáng LED Matrix cũng được thay bằng hệ thống đèn halogen ở cả phía trước và phía sau. Mâm xe dùng loại mâm thép kích thước 16 inch, phanh đĩa phía trước và phanh tang trống phía sau.
Về phần phiên bản cao cấp nhất, xe được trang bị đầy đủ các tùy chọn có thể có. Cụm đèn chiếu sáng sử dụng loại LED Matrix hiện đại, mâm xe được đúc nguyên khối bằng nhôm, kích thước 18 inch, có thêm đèn sương mù, đèn định vị ban ngày LED dạng móc câu, gương gập điện. Màu sơn ngoại thất của bản Wildtrak cũng có thêm màu độc quyền vàng Luxe, nhiều chi tiết được sơn đen bóng tạo nét tương phản và hầm hố cho xe.
Bên trong khoang lái, Ford Ranger XL được trang bị ghế ngồi bọc nỉ, chỉnh tay 4 hướng thay vì chỉnh điện. Nhiều chi tiết trang trí của phiên bản cao cấp được thay bằng các tấm ốp nhựa đen cơ bản. Màn hình giải trí trung tâm cũng được thay bằng loại màn hình 10 inch nhỏ hơn. Tuy nhiên, xe vẫn có bộ màn hình thông tin kích thước 8 inch, hỗ trợ kết nối Android Auto, Apple CarPlay và hệ thống SYNC 4.
Về phần phiên bản cao cấp nhất, xe sở hữu ghế ngồi bọc da vinyl và chỉ khâu tương phản màu cam, chỉnh điện 8 hướng cao cấp. Các chi tiết trang trí bên trong khoang lái được ốp kim loại sang trọng trong khi màn hình trung tâm được trang bị màn hình cảm ứng có kích thước lên đến 12 inch. Vô-lăng cũng có đầy đủ các nút chức năng hơn so với phiên bản tiêu chuẩn.
Hai phiên bản Ranger XL 2.0 4x4 MT và Ranger Wildtrak 2.0 4x4 AT cũng có sự khác biệt về mặt động cơ và khả năng vận hành.
Phiên bản Ranger XL được trang bị động cơ diesel dung tích 2.0 lít tăng áp đơn tạo công suất 170 mã lực tại 3.500 vòng/phút và mô-men xoắn 405 Nm ở dải tua từ 1.750 – 2.500 vòng/phút. Sức mạnh này được truyền đến bánh xe thông qua hộp số sàn 6 cấp và hệ dẫn động AWD.
Trong khi đó, bản Ranger Wildtrak được trang bị động cơ 2.0 lít tăng áp kép, tạo công suất 210 mã lực tại tua máy 3.500 vòng/phút và mô-men xoắn tối đa 500 Nm trong dải tua 1.750 – 2.000 vòng/phút. Động cơ này được trang bị trên Ranger Wildtrak, đi kèm là hộp số tự động 10 cấp.
Mặc dù là phiên bản rẻ tiền nhất nhưng Ford Ranger XL vẫn được trang bị tính năng gài cầu điện tử tương tự như bản cao, cùng với đó là khóa vi sai cầu sau. Khác biệt về mặt này đến từ hệ thống chuyển chế độ lái tùy theo địa hình của Ford Ranger Wildtrak.
Về mặt này, Ford Ranger XL dường như không có gì để so sánh với Ford Ranger Wildtrak. Các trang bị an toàn mà phiên bản tiêu chuẩn của Ford Ranger được trang bị gồm có túi khí phía trước, túi khí hai bên và túi khí rèm. Cùng với đó là hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và hệ thống phân bổ lực phanh điện tử.
Đối với phiên bản cao cấp nhất, xe được trang bị đủ đầy các tiện nghi an toàn. Đầu tiên là túi khí đầu gối ở ghế phụ, cùng với đó là camera 360 độ quanh xe, cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước và sau. Xe cũng được trang bị hàng loạt các tính năng khác như hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ đổ đèo, kiểm soát chống lật, khởi hành ngang dốc, kiểm soát hành trình chủ động, cảnh báo lệch và đường, hỗ trợ giữ làn đường,…
Có thể nói, Ford Ranger XL 2.0 4x4 MT và Ranger Wildtrak 2.0 4x4 AT là hai phiên bản được xây dựng để hướng đến hai tệp khách hàng hoàn toàn khác nhau. Với Ranger Xl, nó được hướng đến những khách hàng là doanh nghiệp, những người sẵn sàng sử dụng chiếc xe của mình để “cày” nên cũng sẽ không quan trọng nhiều về những trang bị kèm theo xe.
Trong khi đó, Ranger Wildtrak lại hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp hơn, những người cần một chiếc xe bán tải để đi off-road, dã ngoại, cắm trại thay vì để đi làm. Khi đó, những trang bị cao cấp của xe mới thực sự bộc lộ hết khả năng của chúng.
Tùy vào mục đích sử dụng, khách hàng có thể lựa chọn được phiên bản Ranger phù hợp nhất với mình khi hãng xe Ford mang đến 6 phiên bản của mẫu xe này đến với khách hàng. Mỗi phiên bản sẽ có một mức giá và mức trang bị riêng giúp nó không “giẫm” phải phân khúc của các phiên bản khác.
Xem thêm: Ford Ranger 2022 chốt lịch ra mắt khách hàng Việt ngày 26/8