Như đã biết, Toyota Innova thế hệ thứ 3 và cũng là thế hệ mới nhất đã được ra mắt thị trường Indonesia vào hồi tháng 11 vừa qua. Ở thế hệ này, hãng xe đến từ Nhật Bản đã mang đến cho chiếc MPV của mình hàng loạt những nâng cấp đáng mong chờ, trong đó có khối động cơ hybrid và nền tảng chung Toyota New Generation Architecture (TNGA-C) được sử dụng trên nhiều mẫu xe thế hệ mới của hãng.
Nền tảng TNGA-C sẽ thay thế nền tảng Toyota Innovative International Multi-purpose Vehicle được sử dụng cho các mẫu xe như Toyota Innova, Toyota Fortuner và Toyota Hilux với khung gầm rời. Có thể nói, việc sử dụng khung gầm rời đã mang đến cho Toyota Innova những lợi thế đáng kể trong suốt thời gian qua.
Đầu tiên đó là giúp chiếc xe có giá bán khá tốt cùng với khả năng sửa chữa linh động. Không những thế, sử dụng khung gầm rời cho phép chiếc Innova thế hệ trước đây có thể vận hành tốt hơn ở điều kiện đường xấu và trong điều kiện vận hành khắc nghiệt hơn. Khung gầm kiểu này cũng mang đến khả năng chịu tải tốt hơn, cho phép chở nặng tối ưu.
Khi chuyển qua nền tảng khung gầm liền khối (unibody) của nền tảng Toyota New Generation Architecture (TNGA-C) dĩ nhiên Innova thế hệ thứ 3 sẽ mất đi gần như tất cả các ưu điểm mà nó có được khi sử dụng khung gầm rời. Tuy nhiên, với việc tối ưu hóa chi phí phát triển sản phẩm và hướng đến sự an toàn cho người dùng, khung gầm liền vẫn là ưu tiên hàng đầu so với kiểu khung gầm rời như trước.
Hiện tại, nền tảng TNGA đang đươc sử dụng cho gần như tất cả các mẫu xe của Toyota và Lexus trên thị trường. Toyota Inonva sử dụng phiên bản GA-C của TNGA, tức dùng chung nền tảng với những mẫu xe như Toyota Corolla, Yarris, Prius và Lexus UX.
So với khung gầm rời, khung gầm liền khối được sử dụng trên Toyota Innova thế hệ thứ 3 sẽ nhẹ hơn, êm ái hơn và cải thiện cảm giác lái khi không chịu quá nhiều lực xoắn và lực lật ngang khi vào cua. Điều này lại càng hợp lý hơn nữa khi đa phần khách hàng của dòng xe này không cần một chiếc xe khung rời để vận hành ở điều kiện đường xấu.
Nhẹ hơn cũng đồng nghĩa với sự tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, thân xe liền có sàn xe thấp hơn, mang đến không gian nội thất rộng rãi hơn so với trước. Về vấn đề an toàn, khung gầm rời dạng này cho phép hãng thiết kế các khung hấp thụ lực tương tự như các mẫu sedan và CUV khác. Trái lại, việc sử dụng khung gầm liền sẽ khiến giá bán của Toyota Innova tăng so với trước đây.
Bên cạnh những yếu tố trên, một điều khác khiến Toyota sử dụng nền tảng TNGA và khung gầm liền cho Innova thế hệ thứ 3 đó là vấn đề điện hóa. Mặc dù trước đây cũng đã có Innova Hybrid nhưng việc sử dụng TNGA sẽ giúp tối ưu hiệu quả của kiểu động cơ này hơn. Mặt khác, TNGA được sử dụng cho nhiều mẫu xe khác, điều này có nghĩa rằng Toyota sẽ tiết kiệm được chi phí phát triển động cơ, hệ truyền động cho các mẫu xe khác nhau.
Có thể nói, Toyota đã lựa chọn bỏ qua cái cũ đang dần mất ưu thế trên thị trường đó là một chiếc Innova với khung gầm rời đển chọn đi theo hướng của một chiếc MPV đô thị đúng nghĩa hơn khi trang bị cho Innova thế hệ thứ 3 khung gầm liền. Cùng với đó, nền tảng TNGA là cam kết cho vấn đề bảo vệ môi trường khi Innova mới sẽ dùng chung nhiều bộ phận với các mẫu xe khác hơn, đồng thời dễ dàng điện hóa với động cơ hybrid hay thậm chí là động cơ điện.
Xem thêm: Toyota Innova thế hệ mới ra mắt, bổ sung thêm động cơ hybrid