Tính từ lúc chiếc Tesla Model S – chiếc xe điện đầu tiên tại Việt Nam, được đưa về nước cách đây 8 năm, thị trường xe điện trong nước đã thay đổi rất nhiều. Trong vòng vài năm trở lại đây, xe điện thường xuyên được nhập về để phục vụ các đại gia Việt, sau đó, VinFast bắt đầu công cuộc phổ thông hóa xe điện bằng chiếc VF e34 với giá bán 690 triệu đồng, chỉ bằng một phần mười những chiếc xe điện dành cho các đại gia trước đó.
Tuy ngày càng phổ biến hơn nhưng những khó khăn khi sử dụng xe điện tại Việt Nam vẫn không thay đổi mấy. Chí ít, một số vấn đề đang được giải quyết nhưng vẫn chưa được triệt để.
Hiện tại, hệ thống trạm sạc được phủ rộng khắp nhất Việt Nam chỉ có của VinFast. Trớ trêu thay, hệ thống trạm sạc này chỉ sử dụng được cho xe của VinFast và không hỗ trợ xe của các thương hiệu khác.
Điều này đồng nghĩa với việc các xe điện của các hãng như Porsche, Audi, Tesla, Hyundai,... tại Việt Nam sẽ chỉ đi được quãng đường trong phạm vi di chuyển giới hạn. Nếu muốn đi xa hơn, chủ nhân buộc phải dừng lại nghỉ qua đêm vì các bộ sạc cầm tay sử dụng nguồn điện dân dụng có công suất rất nhỏ.
Mặc dù đã được cải thiện đáng kể nhưng cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam phần nhiều vẫn chưa giúp xe điện di chuyển thoải mái.
Thông thường thì gầm xe điện thấp hơn nhiều so với các xe cùng loại dùng động cơ xăng và viên pin thường đặt dưới gầm xe. Nếu đi vào khu vực đường xấu thường xuyên, lớp bảo vệ của viên pin ở gầm xe sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Mặt khác, mặc dù xe điện không thể bị thủy kích giống với xe xăng nhưng ngập nước lại mang đến vấn đề khác cho những loại xe này. Vị trí đặt pin và mô-tơ điện thấp sẽ bị ảnh hưởng nếu chủ xe quyết định lội nước qua vùng ngập sâu. Những hư hỏng sẽ không xuất hiện ngay lập tức như xe xăng nhưng hệ thống điện, dây dẫn, các thiết bị điện tử,… sẽ bị ẩm và hư hại về sau.
Đối với xe điện, mặc dù có ít chi tiết cơ khí cần được bảo dưỡng hơn nhưng việc bảo dưỡng, sửa chữa lại khó khăn hơn đôi chút so với xe xăng thông thường. Tuy vậy, các hệ thống trên xe điện đều sử dụng công nghệ mới, chủ yếu là điện tử, để vận hành nên việc sửa chữa cũng khó khăn hơn nhiều so với sửa chữa các hệ thống cơ khí. Nếu hư hỏng, các hệ thống điện tử gần như không thể được sửa chữa bởi các gara tại Việt Nam hiện tại.
Tiêp theo vấn đề sửa chữa, bảo dưỡng xe điện, nếu việc thay thế hệ thống bị hư trên xe không làm phiền lòng khách hàng thì giá phụ tùng sẽ làm điều đó. Vì xe điện chưa phổ biến nên phụ tùng của chúng thường không có sẵn tại Việt Nam. Nếu có nhu cầu cần phải thay mới, người dùng cần phải đặt từ nước ngoài về với giá bán rất đắt và thời gian chờ đợi rất lâu.
Phụ tùng đắt nhất của xe điện là viên pin của nó. Viên pin có giá trị rất lớn, khoảng vài trăm triệu đồng. Mặt khác, những viên pin có khối lượng lên đến hàng trăm kg khiến việc vận chuyển về Việt Nam cũng đắt đỏ không kém. Giá thay một viên pin cho Porsche Taycan rơi vào khoảng trên 800 triệu đồng. Tuy vậy, các hãng bán xe điện tại Việt Nam đều đưa ra chính sách bảo hành pin lên đến 8 năm cho người dùng.
Xem thêm: VinFast VF9 và những điều cần biết về mẫu xe điện hạng sang mang thương hiệu Việt