Mitsubishi Outlander được đánh giá cao nhờ động cơ bền bỉ, nhiều tính năng hiện đại và tiết kiệm, song trong nhiều năm qua cũng có không ít đợt triệu hồi liên quan tới lỗi của mẫu xe này. Nếu đang có ý định mua Mitsubishi Outlander cũ, người dùng cần đặc biệt lưu ý những lỗi được Autofun tổng hợp trong bài viết.
Ở nhóm Crossover hạng C tại Việt Nam, Mitsubishi Outlander không phải là mẫu xe được số đông lựa chọn bởi thiết kế không quá bắt mắt. Tuy vậy, với tệp khách hàng yêu thích sự bền bỉ, tiết kiệm thì đây vẫn là mẫu xe đầu bảng, nhất là ở thị trường thứ cấp.
Dạo quanh một vòng thị trường xe đã qua sử dụng, không khó để bắt gặp những thông tin rao bán xe Mitsubishi Outlander cũ mức giá khá mềm. Thay vì lăn bánh xe mới hoàn toàn với giá lên tới hơn gần 1,2 tỷ đồng, nhiều người chấp nhận mua xe Mitsubishi Outlander cũ để tiết kiệm hơn.
Tuy vậy, nếu chọn mua Mitsubishi Outlander cũ, người dùng cần lưu ý một số lỗi của mẫu xe này từng được người công bố thành đợt triệu hồi, điển hình như:
Vào tháng 12/2018, Mitsubishi triển khai 3 đợt triệu hồi đối với dòng xe Outlander và Outlander PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) phân phối tại Việt Nam do lỗi liên quan đến phần mềm điều khiển hệ thống phanh và hệ thống cân bằng điện tử (ASC).
Được biết, tổng số xe nằm trong 3 đợt triệu hồi này lên tới gần 1.000 chiếc. Trong đó, có các phiên bản Outlander lắp ráp tại nhà máy Mitsubishi ở Bình Dương, cũng như bản Outlander PHEV từng được nhập khẩu phân phối tại thị trường Việt Nam.
Outlander nằm trong diện triệu hồi lần 1 và 2 được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 17/7/2018. Ngoài ra còn một số phiên bản Outlander và Outlander PHEV được sản xuất trong năm 2017.
Tổng cộng 2 đợt đầu có 971 xe Outlander và Outlander PHEV bị lỗi ở hệ thống phanh ASC dẫn đến hệ thống phân phối lực phanh (H/U) bị gián đoạn. Điều này khiến một loạt các tính năng an toàn chủ động khác sẽ bị hủy bỏ. Khi mô tơ bơm của bộ phân H/U hoạt động, do phần mềm điều khiển không phù hợp đã làm cho các tín hiệu điện trả về ASC-ECU bị nhiễu, khiến IC trong ASC-ECU hoạt động không chính xác.
Kết quả là bộ ASC-ECU bị reset lại, gây gián đoạn các hệ thống khác như: phanh tự động khẩn cấp (FCM), hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAS), hệ thống kiểm soát lực kéo (S-AWC) và cả hệ thống đèn pha tự động (AHB).
Trong khi đó, đợt triệu hồi thứ 3 liên quan đến 3 xe Outlander PHEV bị lỗi phanh tự động khẩn cấp (FCM - Forward Collision Mitigation). Được biết, khi xe hoạt động, các cảm biến trên hệ thống phanh tự động khẩn cấp (FCM-ECU) sẽ nhận biết người đi bộ hoặc vật cản nằm trong vùng có thể gây nguy hiểm, lúc này hệ thống sẽ tự động cung cấp lực phanh để giảm tốc độ của xe.
Trên các xe bị ảnh hưởng, dù người đi bộ hoặc các vật thể đã ra ngoài vùng có thể gây nguy hiểm, nhưng hệ thống FCM-ECU vẫn tiếp tục duy trì và cung cấp lực phanh dài hơn mức cần thiết. Khi đó tài xế có thể cảm nhận xe vận hành không ổn định, nên có thể đạp phanh để dừng xe.
Nguyên nhân do phần mềm của hệ thống phanh FCMECU/ hệ thống cảnh báo lệch làn đường (LDW-ECU)/ hệ thống tự động điều chỉnh đèn pha tự động (AHB-ECU) không phù hợp. Do đó mà hệ thống phanh FCMECU vẫn tiếp tục phanh ngay cả khi người đi bộ hoặc vật thể khác ra khỏi ngoài vùng dò tìm của hệ thống.
Vào đầu năm 2019, dòng xe Outlander được Mitsubishi khẩu và phân phối đã bị triệu hồi để thay thế cần gạt nước phía trước bị lỗi. Số lượng xe nằm trong đợt thu hồi này là 7 chiếc, được sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2007 và tháng 9/2009. Đáng chú ý, các lỗi này đều được sản xuất tại Mitsubishi Nhật Bản.
Nguyên nhân triệu hồi Mitsubishi Outlander là do thiết kế của các khớp cầu của cơ chế điều khiển cần gạt nước không đạt yêu cầu, làm cho nước có thể thâm nhập vào thông qua các chụp cao su của khớp cầu này và khiến khớp cầu bị ăn mòn. Kết quả là khi khớp bị hỏng do ăn mòn, cần gạt nước của xe sẽ không hoạt động.
Đầu năm 2021, Mitsubishi Việt Nam triệu hồi tổng cộng 9.066 xe, trong đó gồm 3.696 chiếc Mitsubishi Xpander nhập khẩu và 5.370 chiếc xe Outlander được sản xuất từ ngày 15/1/2018 - 21/7/2019 vì lỗi bơm xăng.
Theo Mitsubishi Việt Nam, hiện tượng khách hàng gặp phải trên những xe nằm trong diện triệu hồi là bơm xăng bên trong thùng xăng có thể ngưng hoạt động, dẫn đến không thể khởi động hoặc động cơ bị tắt.
Nguyên nhân là do cánh bơm bên trong bơm xăng có thể bị phồng lên, dẫn đến bị chạm vào các bộ phận xung quanh của thân bơm khiến bơm xăng ngừng quay. Theo đó mà không thể khởi động hoặc động cơ ngưng hoạt động. Trong bơm xăng, cánh bơm được làm bằng nhựa có mật độ phân tử nhựa thấp nên rất dễ bị phồng lên trong điều kiện hoạt động bình thường.
Ngay sau đó không lâu, vào hồi tháng 5/2021, một cuộc triệu hồi khác với Mitsubishi Outlander cũng được thực hiện để thay thế bơm xăng. Đợt 2 này gồm 90 xe Outlander sản xuất từ 16/5/2019 đến 23/7/2019.
Cũng trong năm 2021, Outlander tiếp tục nhận án triệu hồi bởi lỗi phanh. Được biết, có 218 chiếc Mitsubishi Outlander và Outlander Sport sản xuất năm 2016 nằm trong diện triệu hồi nhằm để kiểm tra và thay thế cơ cấu phanh đỗ phía sau trên các xe bị ảnh hưởng.
Được biết, trên các xe bị ảnh hưởng, khi đỗ xe ngang dốc mà sử dụng phanh đỗ, một số trường hợp có thể xảy ra hiện tượng xe bị tuột dốc bởi lực phanh này không đủ nên không thể giữ được xe, gây trôi. Từ đó, có thể gây tai nạn cho xe hoặc người xung quanh.
Nguyên nhân được là do lớp phủ chống gỉ của trục phanh đỗ không phù hợp và hiệu suất làm kín của chụp bụi kém. Vì thế mà nước có thể thâm nhập vào và làm gỉ sét trục phanh đỗ xe. Sau thời gian sử dụng liên tục, gỉ sét sẽ ăn mòn vào bên trong và khiến trục bị kẹt dẫn đến giảm lực phanh đỗ.
Những lỗi nêu trên hầu hết đã được Mitsubishi triệu hồi và khắc phục. Tuy vậy, không loại trừ khả năng sẽ vẫn còn sót lại những chiếc xe thuộc diện nhập khẩu tư nhân chưa được khắc phục hết.
Mặc dù vậy, những lỗi kể trên cũng không quá nguy hiểm, và tỉ lệ xe gặp phải cũng không quá nhiều. Do vậy mà nếu đang có nhu cầu mua Mitsubishi Outlander cũ, người dùng có thể yên tâm bởi những tính năng, trải nghiệm mà mẫu xe này mang lại được đánh giá khá cao. Còn để chắc chắn hơn, nếu kinh tế dư giả, hãy ưu tiên lăn bánh xe đời mới.
Xem thêm: Lịch trình và chi phí bảo dưỡng Mitsubishi Outlander 2022 cho những ai cần biết