Trung Quốc bất ngờ thử nghiệm ô tô 'bay' cách mặt đất 35mm
An Nhien · Sep 26, 2022 09:15 AM
0
0
Trung Quốc mới đây đã thử nghiệm mẫu ô tô 4 bánh có khả năng 'lơ lửng' trên mặt đường nhờ áp dụng công nghệ đệm từ trường trên cao tốc. Đáng chú ý, phương tiện được thử nghiệm bay cách mặt đất 35mm và có thể đạt được tốc độ lên đến 230 km/h.
Vừa qua, giới truyền thông của Trung Quốc đã xác nhận đất nước tỷ dân đã hiện đã thử nghiệm thành công mẫu ô tô sử dụng công nghệ đệm từ trường (magnetic levitation maglev) trên cao tốc. Điều này đồng nghĩa với việc, tương lai về những mẫu xe hơi chạy không chạm đất đang dần được hiện thực hóa.
Cụ thể, theo thông tin từ Xinhua – Tân Hoa Xã, buổi chạy thử được thực hiện trên cao tốc Gaochun-Xuancheng, tỉnh Giang Tô. Chiếc xe được thử nghiệm có trọng lượng nặng 2,8 tấn đã thật sự di chuyển trong tình trạng 'lơ lửng' với khoảng cách mặt đường khoảng 35 mm. Để làm được điều này, chiếc xe đã ứng dụng lực điện từ và hệ thống đường ray được lắp đặt phía bên dưới.
Được biết, đây là nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học Giao thông Tây Nam ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên nhằm để thực nghiệm khả năng ứng dụng của công nghệ đệm từ trường trong lĩnh vực giao thông. Trong đó, bao gồm cả các phương tiện đường bộ. Chiếc xe thử nghiệm được phát triển và tùy chỉnh từ một chiếc ô tô truyền thống.
Theo công bố, quãng đường thử nghiệm dài 7,9 km, được lắp đặt hệ thống ray điện hỗ trợ cho các mẫu ô tô bay tiến hành thử nghiệm. Các mẫu ô tô này đều được thiết kế với miếng nam châm vĩnh cửu đặt phía bên dưới xe. Với việc ứng dụng công nghệ maglev sẽ giúp ô tô di chuyển mà các bánh xe không chạm mặt đất.
Đoạn video thử nghiệm được công bố cũng cho thấy các mẫu ô tô bay di chuyển với tốc độ không cao. Tuy nhiên, trên thực tế, công nghệ maglev này có thể giúp xe đạt được tốc độ cao giống như tàu cao tốc. Theo Tân Hoa Xã, phương tiện có thể đạt được tốc độ lên đến con số 230 km/h. Đây được xem là tốc độ hơn gấp đôi mức cho phép trên đường cao tốc tại Trung Quốc. Những hình ảnh từ video thử nghiệm cũng cho thấy chiếc ô tô không có người lái và được đi theo một tuyến đường định sẵn.
Giáo sư Deng Zigang - Trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ maglev tiết lộ, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào việc hiện thực hóa tầm nhìn về ô tô đệm từ. Ông Deng cũng cho biết, quá trình chạy thử nêu trên là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển ô tô đệm từ của Trung Quốc.
Theo Giáo sư Deng Zigang, công nghệ maglev được kỳ vọng sẽ giúp giảm năng lượng tiêu thụ, tăng tuổi thọ cho phương tiện và tăng hành trình của ô tô trong tương lai. Như vậy, mẫu xe ứng dụng công nghệ maglev sẽ có tuổi thọ cao hơn so với xe thông thường.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ đệm từ trường trong giao thông đường bộ cũng được cho là sẽ giúp giảm năng lượng tiêu thụ, góp nâng cao vận hành và cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông.
Mặc dù ý tưởng phát triển ô tô bay công nghệ maglev khá mới mẻ nhưng công nghệ từ trường thì vốn đã có từ lâu. Cả Trung Quốc, Nhật Bản và cả Đức đều đã có tàu đệm từ được vận hành trong thực tế.
Trong đó, vào năm 2004, lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm và ứng dụng tàu đệm từ trường siêu tốc tại Thượng Hải. Trải qua khoảng 10 năm ứng dụng công nghệ này trong giao thông, hiện Trung Quốc đã vươn lên sánh ngang với Nhật Bản - đất nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ đệm từ trường.
Được biệt, tàu siêu tốc Thượng Hải Transrapid tính đến nay vẫn đang là mẫu tàu ứng dụng công nghệ đệm từ trường có tuổi đời lâu nhất tại đất nước tỷ dân. Và vận tốc của tàu siêu tốc này lên tới 431 km/h, thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về việc áp dụng công nghệ đệm từ trong giao thông. Trước đó vào năm 2021, Trung Quốc cũng đã từng hé lộ mẫu tàu siêu tốc thế hệ mới với tốc độ tối đa có thể lên đến 600 km/h. Đây được xem là tàu siêu tốc được đất nước tỷ dân dự kiến đưa vào sử dụng trong tương lai gần.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), khi mẫu tàu đệm từ tốc độ cao đi vào vận hành, hành trình từ Bắc Kinh tới Thượng Hải dài 1.000km có thể rút xuống chỉ còn 2,5h, giảm một nửa thời gian di chuyển so với tàu cao tốc như hiện tại.
Vào hồi tháng 3 năm nay, tàu đệm từ thương mại nội địa đầu tiên do Trung Quốc sản xuất cũng đã hoàn tất quá trình thử nghiệm với tốc độ thiết kế đạt mức 200km/h.
Song, đối với mẫu ô tô bay sử dụng công nghệ maglev sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các mẫu tàu đệm từ. Bởi nếu muốn đưa nó vào sử dụng trong thực tế, sẽ cần những con đường có lắp đặt ray điện nhằm hỗ trợ loại phương tiện này.
Mặc dù vậy, thành công của các cuộc thử nghiệm mẫu ô tô bay sử dụng công nghệ maglev ở Giang Tô cũng là tin tốt cho tham vọng cho ra đời xe hơi đệm từ trường của Trung Quốc. Song, thời điểm hiện tại vẫn là quá sớm để trả lời khi nào chúng có thể sẽ được đưa vào sản xuất thương mại.