Gần đây, việc sở hữu một chiếc xe bán tải ở Việt Nam không còn là một lựa chọn không hề tồi, bởi lẽ chiếc xe đa dụng trong các điều kiện sử dụng và kinh tế trong quá trình sử dụng. Thật vậy, những chiếc bán tải có giá bán và chi phí sử dụng rất hợp lý do được hưởng mức thuế ưu đãi, động cơ dầu tiết kiệm và phụ tùng thay thế sẵn có.
Liệu rằng sử dụng một chiếc xe bán tải có tốn quá nhiều chi phí như mọi người vẫn tưởng?
Chi phí nhiên liệu
Ford Ranger Wiltrak 2.0L AT 4X4 được trang bị động cơ tăng áp kép 2.0L cho công suất 213 mã lực tại vòng tua máy 3.750 vòng/phút, mô men xoắn 500 Nm tại 1.750-2.000 vòng/phút đi cùng hộp số tự động 10 cấp mới. Do sử dụng nhiên liệu dầu cho nên giá thành đổ dầu cho chiếc xe cũng hết sức kinh tế trong thời điểm giá xăng tăng mạnh lên tới 25.000VND/lít.
Chiếc xe bán tải phân phối chính hãng có mức tiêu hao nhiên liệu cao nhất trên thị trường hiện nay là Ford Ranger Wildtrak 2.0L Bi turbo với mức tiêu hao trung bình khoảng 8 lít/100km. Trong khi đó, một số dòng xe khác như Ford Ranger 2.2L có mức tiêu hao tương đương nhau ở mức khoảng 7 lít/100km.
Với mức giá diesel khoảng 14.000VND/lít như hiện nay, chi phí nhiên liệu của một chiếc bán tải khá hấp dẫn so với các dòng xe xăng dung tích máy tương đương. Trung bình, một chiếc Ranger Wildtrak “ăn” hết khoảng 1.600VND/km đường, trong khi các dòng bán tải khác tiêu hao khoảng 1.000 – 1.200VND/km đường.
Mọi sự so sánh có thể khập khiễng, nhưng có thể thấy rằng chi phí nhiên liệu (tính bằng VND tại Việt Nam) của một chiếc xe bán tải vạm vỡ và khỏe mạnh chỉ tương đương một chiếc xe cỡ nhỏ máy xăng như Chevrolet Spark, Kia Morning hay Hyundai Grand i10.
Điều đáng nói là ở chỗ, với xe lắp động cơ diesel, mức tiêu hao nhiên liệu giữa xe không tải và xe tải nặng chênh lệch không nhiều như xe xăng. Lợi thế này có được là nhờ sức kéo của các loại động cơ diesel đạt tối đa ở số vòng tua rất thấp. Ngay cả khi chở nửa tấn hàng và leo đèo dốc, mức tiêu hao nhiên liệu của một chiếc xe bán tải cũng tăng không đáng kể so với mức tiêu hao trung bình.
Chi phí bảo dưỡng các cấp của xe
Từ lúc mới xuất xưởng và đến tay người tiêu dùng, xe bán tải cũng như nhiều dòng xe khác sẽ phải trải qua lần bảo dưỡng định kỳ đầu tiên khi đồng hồ công-tơ-mét đạt mức 1000km. Các lần bảo dưỡng định kỳ tiếp theo, theo khuyến cáo của hầu hết các hãng sản xuất ô tô hiện nay, cách nhau 10.000km.
Theo chu kỳ, cứ 10.000km xe cần bảo dưỡng định kỳ cấp 1 một lần. Sau 20.000km sẽ cần bảo dưỡng định kỳ cấp 2. Và cứ sau 40.000km sẽ bảo dưỡng định kỳ cấp cao nhất, và cũng là cấp độ bảo dưỡng tốn kém nhất. Ở đây, Autofun sẽ tính giúp bạn chi phí (dự tính) những lần bảo dưỡng định kỳ của chiếc xe bán tải bán chạy nhất thị trường hiện nay, từ khi bắt đầu lăn bánh đến khi đạt 100.000km (khoảng 5 năm sử dụng).
Cấp bảo dưỡng
|
Mốc km
|
Hạng mục bảo dưỡng chủ yếu
|
Đầu tiên
|
1.000km
|
Thay dầu máy
|
Cấp độ 1
|
10.000km 30.000km 50.000km 70.000km 90.000km
|
Thay dầu máy và lọc dầu
|
Cấp độ 2
|
20.000km 60.000km 100.000km
|
Thay dầu máy, lọc dầu, lọc nhiên liệu, lọc gió điều hòa
|
Cấp độ 3
|
40.000km 80.000km
|
Thay dầu máy, lọc dầu máy, dầu trợ lực, dầu phanh, lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa. Riêng cấp 80.000km có thêm hạng mục thay nước làm mát
|
Tùy theo thương hiệu và phẩm cấp dầu bôi trơn động cơ, chi phí thay dầu có thể từ 700 nghìn – 1,0 triệu đồng. Tùy theo dòng xe và thương hiệu, chi phí cho một lần bảo dưỡng cấp độ 1 (5 lần) khoảng 2,0 triệu đồng, một lần bảo dưỡng cấp độ 2 (3 lần) khoảng 3,0 triệu đồng và một lần bảo dưỡng cấp độ 3 (2 lần) khoảng từ 5,0 – 7,0 triệu đồng.
Như vậy, trong 5 năm sử dụng, một chiếc xe bán tải có chi phí bảo dưỡng định kỳ cố định khoảng từ 30 – 35 triệu đồng.
Theo các chuyên gia dịch vụ, việc sử dụng xe bán tải máy dầu cần chú ý đặc biệt hệ thống cung cấp nhiên liệu. Lọc nhiên liệu, kim phun và bơm cao áp là những chi tiết cần được chăm sóc kỹ càng do chất lượng dầu diesel tại Việt Nam chưa được đồng đều, có thể gây hỏng hóc khiến chi phí thay thế tốn kém.
Tổng kết
Tính đa dụng và kinh tế của xe bán tải khiến cho dòng xe này trở thành lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Các dòng bán tải ca-bin kép hiện nay còn được trang bị tiện nghi đầy đủ chẳng thua kém các dòng xe hạng trung cao cấp, khiến sức hút của chúng ngày càng tăng.
Nhưng xe bán tải cũng có những đặc điểm khiến người sử dụng cảm thấy khó chịu. Giảm xóc sau cứng và thiếu êm ái khi không tải hàng, cùng với đó là độ ngả lưng hàng ghế sau hạn chế khiến người ngồi không thể thư giãn. Cuối cùng, kích thước cồng kềnh và tiếng ồn đặc trưng khiến bán tải không thể trở thành phương tiện thân thiện trong đô thị chật hẹp đông đúc.