Có giá bán trên dưới 150 triệu đồng, Honda SH 350i có lợi thế hơn Vespa GTS SuperTech 300 HPE. Nếu bỏ qua về giá bán, mẫu xe nào đáng để ‘xuống tiền’ hơn?
Tổng thể về phong cách thiết kế, SH 350i của Honda và SuperTech 300 của Vespa mang 2 phong cách hoàn toàn khác nhau.
Nếu như Honda SH 350i hướng đến vẻ đẹp hiện đại cùng những đường nét hầm hố, mạnh mẽ thì GTS SuperTech 300 ngược lại. Vespa GTS SuperTech 300 HPE khoác lên mình phong cách cổ điển với những đường nét uyển chuyển, nhẹ nhàng.
Theo quan điểm cá nhân, GTS SuperTech 300 có lợi thế hơn về thiết kế. Vì nét thiết kế càng đơn giản, nhẹ nhàng thì dễ được ưa chuộng và khó bị lỗi thời.
Cả hai mẫu xe đều được trang bị hệ thống đèn Full-LED nhưng vị trí và đường nét thiết kế khác biệt. Chóa đèn chiếu sáng của Vespa được thiết kế dạng tròn cổ điển được đặt tách rời nhau: đèn pha phía trên và đèn cos nằm dưới phần mặt nạ. Đèn của Vespa sẽ luôn sáng khi xe khởi động.
Trên Honda SH 350i hoàn toàn ngược lại. Đèn định vị được đặt ở đầu xe, hệ thống chiếu sáng chính nằm dưới yếm xe. Đèn xi-nhan được hai bên ở phần mặt nạ. Cách sắp xếp này giúp cho SH 350i dễ được nhận diện trong đêm hơn so với các dòng xe khác. Tuy nhiên, khi đi trên những cung đường đèo, ôm cua nhiều thì đây cũng là nhược điểm của xe. Khả năng chiếu sáng của xe sẽ có độ trễ khi đánh lái.
Về phần đèn hậu, thiết kế đèn hậu trên Vespa đơn giản nhưng ấn tượng với hình bán nguyệt cách đều 2 bên. Ngược lại, đèn hậu trên SH có thiết kế rườm rà hơn đôi chút. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là quan điểm cá nhân của mỗi người.
Khối lượng của Honda SH 350i là 172 kg, Vespa GTS SuperTech 300 HPE kaf 160 kg. Tuy nhiên, khi ngồi trên SH 350i cảm giác nhẹ nhàng hơn, việc dắt xe và điều khiển xe cũng dễ dàng hơn.
Ngoài ra, chiều cao yên của Vespa GTS là 790 mm nhưng SH 350i lại cao đến 805 mm.
Sàn để chân của Honda SH 350i có thiết kế rộng rãi và phẳng phiu thuận tiện cho người ngồi và để đồ khi cần thiết. Trong khi đó, sàn để chân của GTS SuperTech 300 HPE có phần bất tiện hơn vì thiết kế có phần nhô cao ở giữa. Nếu cần để đồ, bạn sẽ cần gắn thêm baga nhỏ để đồ đạc được cân bằng.
Thiết kế phần gác chân cho người ngồi sau trên Honda SH 350i nổi bật hơn so với GTS SuperTech 300 HPE. Gác chân của xe được thiết kế tách rời mang đến cảm giác thoải mái, đặc biệt là khi đi đường dài. Gác chân trên Vespa GTS SuperTech 300 HPE sẽ bất tiện cho cả người ngồi trước và sau. Chân của người ngồi phía sau khi để lên phần gác chân sẽ bị chạm mũi chân vào chân của người lái.
Cả hai đều có trang bị tương đương nhau, như ‘kẻ tám lạng, người nửa cân’.
Honda SH 350i được trang bị đồng hồ LCD kép hiện đại và đẹp mắt. Bên cạnh đó, xe được tích hợp công nghệ kết nối với điện thoại qua ứng dụng My Honda+ bằng bluetooth.
Honda cũng trang bị cho xe công nghệ chống trượt HSTC, có khả năng phát hiện bất kỳ sự sai lệch tốc độ giữa bánh trước và bánh sau khi xe di chuyển trong điều kiện đường xấu. Từ đó, hệ thống sẽ tính toán tỉ lệ trượt và kiểm soát được lực mô-men xoắn của động cơ, cân bằng độ bám đường cho bánh sau. Hệ thống khóa thông minh Smartkey tiện dụng cho người dùng và đảm bảo an toàn cho xe. Đặc biệt, xe được tích hợp đèn xi-nhan cảnh báo tự động bật khi xe phanh gấp.
Vespa GTS SuperTech 300 HPE cũng không kém cạnh. Đồng hồ của xe là màn hình LCD TFT kích thước 4,3 inch, hiển thị đầy đủ các thông số vận hành của xe. Bạn vẫn dễ dàng kết nối bảng đồng hồ với điện tử của xe với điện thoại thông qua ứng dụng của Piaggio. Ngoài việc theo dõi hành trình và thông số xe, bạn có thể kích hoạt chức năng dẫn đường trên mặt đồng hồ. Một tính năng vô cùng hữu ích khi bạn bị lạc đường và trên hết cũng sẽ đảm bảo an toàn cho chiếc điện thoại của bạn khi đi đường.
Nhà sản xuất cũng trang bị cho Vespa hệ thống kiểm soát lực bám ASR. Hệ thống đảm nhiệm việc phát hiện tình trạng mất độ bám của bánh xe để hãm động cơ khi cần thiết.
Điểm hạn chế của Vespa GTS SuperTech 300 HPE là xe không được trang bị khóa Smartkey. Tuy nhiên, hệ thống khóa của Vespa vẫn đảm bảo an toàn cho xe. Cả hai xe đều được trang bị hệ thống phanh chống bó cứng dành cho cả bánh trước và sau.
Về tiện ích, không thể nhắc đến dung tích cốp - đây là không gian chứa đồ của xe. Dung tích cốp của Vespa GTS dài hơn, trong khi dung tích cốp của SH hẹp nhưng lại sâu hơn. Hộc để đồ của cả hai đều được trang bị cổng sạc tiện ích. Tuy nhiên, việc để cổng sạc trong cốp sẽ khá bất tiện cho người dùng.
Vespa GTS SuperTech 300 HPE được trang bị động cơ HPE thế hệ mới, xy-lanh đơn có dung tích 278,3 cc. Xe được trang bị phun xăng điện tử và được làm mát bằng dung dịch. Công suất cực đại ở thế hệ mới mạnh hơn động cơ cũ của Vespa đến 12%. Khối động cơ của xe cho công suất 23,4 mã lực tại 8.250 vòng/phút. Lực mô-men xoắn cực đại của xe là 26 Nm tại 5.250 vòng/phút. Xe sử dụng truyền động dây đai và hộp số CVT biến thiên vô cấp.
SH 350i được Honda trạng bị động cơ eSP+ hoàn toàn mới, dung tích xy-lanh từ 279 cc lên 330 cc. Động cơ của xe là loại SOHC, phun xăng điện tử PGM-Fi và được làm mát bằng dung dịch. Khối động cơ của xe cho công suất tối đa 29 mã lực tại 7.500 vòng/phút. Mô-men xoắn cực đại của xe là 32 Nm tại 5.250 vòng/phút. Mức tiêu hao nhiên liệu khoảng 3,54 lít/100 km.
Có thể thấy, SH 350i của Honda chiếm ưu thế hơn về sức mạnh. Ngoài ra, nhờ sở hữu hệ thống phuộc đôi phía sau nên Honda SH 350i cho khả năng vận hành đầm chắc và ổn định hơn so với phuộc đơn của Vespa GTS SuperTech 300 HPE.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác xung quanh để giúp bạn dễ dàng đưa ra quyết định giữa GTS và SH:
Với giá khoảng 168 triệu đồng bạn đã sở hữu được Vespa GTS SuperTech 300 HPE lăn bánh. Nhưng với Honda SH 350i thì chưa chắc.
Dàn áo của Honda SH 350i là dàn áo nhựa trong khi của Vespa GTS là thép dập nguyên tấm và được sơn tĩnh điện.
Bền bỉ, dễ sửa chữa và giữ giá khi bán lại là điểm mạnh của SH 350i.
Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều người SH 350i cho tư thế ngồi thoải mái và thẳng lưng hơn so với Vespa GTS. Đặc biệt, phần gác chân sau của SH cũng giúp người cầm lái thoải mái hơn khi chở người ngồi sau.
Trên đây là những chia sẻ về Honda SH 350i và Vespa GTS SuperTech 300 HPE. Hy vọng qua những chia sẻ này sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra quyết định hơn khi đã có 200 triệu trong tay.
Xem thêm: Trong tầm giá 50-60 triệu đồng, nên mua mẫu xe côn tay nào?